“Mặc dù mới chỉ triển khai trong thời gian ngắn, nhưng Nghị định 67 đã thực hiện một khối lượng công việc đồ sộ. Điều này, thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực cùng vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương xuống từng địa phương. Sự hiện diện của ngư dân ở những vùng biển xa, ngoài việc nâng cao hiệu quả đánh bắt, cải thiện cuộc sống cho bà con ngư dân đã góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo Tổ quốc”, đó là phát biểu của Ủy viên Bộ Chính trị, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình tại Hội nghị “Sơ kết hơn 1 năm triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP (NĐ 67) của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản” do NHNN phối hợp với Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức ngày 7/3/2016 tại TP.Quảng Ngãi.
Ngư dân hồ hởi
Những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 67 đã được Chính phủ tháo gỡ trong Nghị định 89, ngư dân hồ hởi đón nhận Nghị định 89, bởi các điểm mới sẽ giúp tháo gỡ các điểm nghẽn trong cơ chế chính sách vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu.
Tiếp xúc với những ngư dân ở Quảng Ngãi, Bình Định, chúng tôi mới cảm nhận được niềm vui, sự hồ hởi của người dân nơi đây khi được biết thông tin về Nghị định 89 sẽ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, kéo dài thêm thời gian trả nợ ngân hàng trong quá trình triển khai Nghị định 67.

Ngư dân Nguyễn Việt Hằng, phường Hải Cảng TP. Quy Nhơn (Bình Định) cười tươi như hoa khi đứng trên boong chiếc tàu cá vỏ thép nghề lưới vây mạn 880 CV mang tên Hải Cảng 1 ký hiệu BĐ-99009-TS đã hạ thủy đưa từ Nhà máy đóng tàu Cam Ranh (Khánh Hòa) về bến tàu ở Bình Định. “Tôi vay 17,7 tỷ đồng nếu phải trả nợ trong vòng 11 năm theo quy định tại Nghị định 67 thì mỗi năm gia đình tôi phải trả cả gốc lẫn lãi là hơn 1,5 tỷ đồng. Nay Nghị định 89 sửa đổi, thời gian kéo dài trả nợ đối với tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới lên tới 16 năm giúp tôi giải tỏa phần áp lực trả nợ”, ngư dân Nguyễn Việt Hằng, vui mừng cho biết.
Còn ngư dân Nguyễn Sáu, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) vay vốn 4,3 tỷ đồng của Agribank đóng tàu gỗ 765 CV theo Nghị định 67. Trước khi vay vốn đóng tàu 67, tôi đi biển bằng tàu công suất nhỏ có 360 CV, do vậy không đi đánh bắt xa bờ được, hiệu quả không cao. ”Tàu gỗ vay theo Nghị định 67 đã hạ thủy từ tháng 3/2015, nay đã ra khơi được 6 chuyến. Tàu công suất lớn ra khơi đảm bảo an toàn, hiệu quả hơn góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho gia đình” ông Sáu chia sẻ.
Cùng chung niềm vui với ngư dân Sáu, ngư dân Nguyễn Đức Thảo, xã Nghĩa Phú, TP Quảng Ngãi, sáng ngày 7/3/2016 ký kết hợp đồng tín dụng với ngân hàng để vay vốn đóng tàu gỗ công suất 748 CV cho biết, ước mơ của nhiều ngư dân có được một chiếc tàu có công suất lớn, đủ điều kiện vươn khơi bám biển. Nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi theo Nghị định 67 của Chính phủ và sự hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời của các ngành chức năng và ngân hàng ước mơ của gia đình tôi đã thành hiện thực.
Quyết liệt triển khai
Nghị định 67 là một sáng kiến của NHNN tham mưu Chính phủ ban hành, qua hơn 1 năm triển khai chúng ta có thể khẳng định Nghị định 67 đối với ngư dân là hết sức “đúng“ và “trúng“, đáp ứng được nguyện vọng của ngư dân trong việc khai thác nguồn lợi thủy sản và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Sức lan tỏa của Nghị định 67 đã thực sự được cấp ủy và chính quyền địa phương tích cực vào cuộc để phối hợp cùng hệ thống ngân hàng và các bộ ngành triển khai.
Sau hơn 01 năm triển khai thực hiện Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản và sự ra đời của Nghị định 89 sửa đổi Nghị định 67 đã tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện, mở rộng thêm đối tượng được vay vốn với ngư dân, đến nay các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng với chủ tàu để đóng mới, nâng cấp 399 con tàu với tổng số tiền cam kết cho vay đạt gần 4.000 tỷ đồng, đã có 84 tàu cá đóng mới và 12 tàu nâng cấp được hạ thủy đi vào hoạt động.

Agribank là ngân hàng giữ vai trò chủ lực về đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với quy mô đầu tư tín dụng nông nghiệp nông thôn nói chung và thủy hải sản nói riêng không ngừng mở rộng. Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 22/2014/NHNN-TT hướng dẫn thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, ngày 29/8/2014, Agribank đã ban hành Quyết định 888/QĐ-NHNo-HSX về việc ban hành quy định cho vay đối với khách hàng vay vốn theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP trong hệ thống Agribank. Đồng thời, tổ chức tập huấn đến tất cả các chi nhánh thuộc các tỉnh có nghề khai thác thủy sản; chỉ đạo các chi nhánh bám sát Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP tại các tỉnh để nắm bắt tiến độ phê duyệt chủ tàu của UBND tỉnh, chủ động tiếp cận các chủ tàu tìm hiểu và thẩm định, tham mưu cho Ban chỉ đạo tại địa phương những chủ tàu đủ năng lực vay vốn theo chương trình này.
Quá trình tiếp cận nhu cầu vay vốn từ các chủ tàu, tham mưu cho Ban chỉ đạo tại địa phương, Agribank đã kịp thời nắm bắt những khó khăn vướng mắc, phối hợp với các Bộ, Ban ngành tháo gỡ, đẩy mạnh cho vay, hướng tới mục tiêu hiện đại hóa tàu cá do Chính phủ đề ra.
Kết quả đến 31/01/2016, Agribank đã triển khai cho vay trên 23/26 tỉnh thành ven biển, với tổng số tàu cho vay 139 tàu, trong đó có 132 tàu đóng mới và 07 tàu nâng cấp. Tổng số tiền cam kết theo hợp đồng tín dụng đã ký kết là 1.181,76 tỷ đồng, và đã giải ngân được 710.64 tỷ đồng. Các con tàu đều được giải ngân đúng tiến độ để đảm bảo thời gian hạ thủy. Agribank hiện đang thẩm định 65 tàu với tổng số tiền vay dự kiến 736,63 tỷ đồng.